CÔNG VIỆC CHÍNH CỦA HỘI

Công Việc Chính
của Hội

 

 

I. Tổng Quát

 Khi tới thăm các chi bộ khác nhau trên thế giới của Hội Theosophy, ta có cảm tưởng dường như khuynh hướng chung hiện nay tại đa số chi bộ và hội viên là quan tâm nhiều tới các tổ chức mà đường hướng có phần tương tự như Hội, thí dụ chấp nhận hai luật tái sinh và nhân quả hay cổ võ tình huynh đệ đại đồng, thay vì nhắm tới một chủ trương duy nhất là quảng bá MTTL.
Theo với thời gian, chuyện gần như không tránh được là Hội có sự mở rộng sinh hoạt, và có sự phân tản các phần việc tiên khởi của Hội. Sự quan tâm đến những sinh hoạt khác làm giảm đi mức nhiệt tâm một lòng một dạ có lúc ban đầu trong Hội, và do vậy hội viên các nơi phải lựa chọn giữa hai điều, hoặc theo đường hướng vừa nói, hoặc tập trung nhiều hơn sự chú tâm và sinh hoạt của Hội vào việc quảng bá MTTL. Liệu công việc của Hội sẽ nới rộng để bao luôn và rồi trình bầy chỉ dạy của những phong trào khác mà hội viên ưa thích (thí dụ Phật giáo Tây Tạng), hay là chỉ tập trung làm một việc duy nhất là quảng bá MTTL, mang lại cho thế giới sự hiểu biết đúng đắn và áp dụng những nguyên tắc TTH căn bản ?
Các xứ bộ, chi bộ và hội viên có hoàn toàn tự do xếp đặt sinh hoạt của mình, nhưng câu hỏi nêu ra là việc tiếp tục ngày càng quan tâm hơn đến những tổ chức khác có càng lúc càng ảnh hưởng đến tính chất của Hội chúng ta ? Sinh hoạt của xứ bộ và chi bộ có nên bao gồm luôn việc làm của những tổ chức khác, tới độ bớt đi việc học hỏi và trình bầy chính Theosophy ? Việc mở rộng như vậy có làm suy yếu Hội và còn đưa tới việc Hội bị suy đồi lần lần ? Hội có nên, hay có cần phải mở rộng để bao gồm luôn công việc của những phong trào khác trong các tài liệu mà Hội xuất bản, dành năng lực và thì giờ cho ý tưởng của họ ?
Lẽ tự nhiên quyền tự do tư tưởng và hành động của xứ bộ, chi bộ và hội viên có tầm quan trọng bậc nhất, và mở rộng tầm nhìn là lý tưởng đáng nói cũng như là gia tăng hiểu biết cho con người. Dầu vậy trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc có mục tiêu duy nhất và hết sức chú tâm vào chuyện  quảng bá MTTL, phải chăng có mức quan trọng hàng đầu cho Hội chúng  ta và luôn cả chính thế giới ? Ngoài ra, phát triển khoa học mà phù hợp với đường lối TTH, dù nguy hiểm cho nhân loại khi bị lạm dụng, cùng việc tham dự sâu xa bằng tư tưởng và hành động, để cải thiện cuộc sống cho người và vật được tốt đẹp hơn trên trái đất này, cũng nên được gồm trong việc quảng bá MTTL.

Các Nguyên Tắc Căn Bản.
Chúng có thể được tóm lược như sau:
● Con người là thực thể mà bên trong họ phần tinh thần cao nhất (Monad - Chân thần) và vật chất thấp nhất (thân xác) được trí tuệ kết nối. Cái Ngã tinh thần của con người khai mở không ngừng các tiềm năng, điều này là kết quả của sự hiện hữu của họ. Diễn trình này đi tới đỉnh là việc đạt quả vị Đạo Sư, thành người toàn thiện.
● Phương pháp cho cuộc tiến hóa của con người là cái Ngã tinh thần tái sinh nhiều bận, mỗi lần khoác lấy hình hài vật chất. Tình trạng và kinh nghiệm của họ là kết quả của hành vi họ theo luật nhân quả tức Karma. Lòng lành mang lại bình an, hạnh phúc và sức khỏe. Tính độc ác gây ra chiến tranh, bệnh tật và khổ nàn.
● Diễn trình cuộc tiến hóa có thể bị trì hoãn, hay tiến hành bình thường, hay có thể được làm mau lẹ hơn. Trì hoãn là do vô minh, không biết những chân lý này và do đó không biết hướng dẫn đời mình theo chúng. Cuộc tiến hóa có thể được thúc đẩy làm mau hơn bằng áp dụng vào đời mình các luật đã có từ ngàn xưa, bất biến, một cách thông minh và xả kỷ.
● Ta có thể mạnh mẽ đạt được nước Trời bằng cách tự luyện mình, tham thiền đều đặn với xếp đặt khôn ngoan, và quên mình phụng sự không nghĩ đến phần thưởng.
● Từ thế kỷ này sang thế kỷ kia sẽ có người thành toàn thiện, là đóa hoa quý của nhân loại. Người toàn thiện, bậc Đạo Sư, thực sự hiện hữu trên trái đất.
● Do sự gợi hứng của các Ngài, Hội Theosophy được thành lập năm 1875 để quảng bá MTTL.

Cách Hội Tăng Trưởng
Nhìn theo ý nghĩa của kiến trúc thì Hội như mọi tổ chức khác tăng trưởng theo ba giai đoạn rõ rệt:
– Khai phá
– Xây dựng
– Phát triển.
Giai đoạn đầu ‘khai phá’ là công và nỗ lực của ông Olcott về mặt hành chính và bà Blavatsky đặt nền tảng, đưa ra hiểu biết về MTTL. Các thế hệ sau dựa trên mảnh đất đã được khai quang nay khởi sự xây dựng Hội bằng tài liệu sách vở. Công việc xem ra tiến hành chậm chạp, điều quan trọng là nền móng của Hội phải mạnh mẽ và cứng chắc; tường phải được xây cất từ từ, phần lớn như là kết quả của sách vở trình bầy rõ ràng, theo sát đường hướng đã có. Giống như bất cứ một công trình kiến trúc nào, việc đi ra ngoài đồ hình của kiến trúc sư và kỹ sư có thể gây hại, và tùy nơi còn có thể làm sụp đổ.
Nói riêng về Hội, bên cạnh sách vở trình bầy những nguyên tắc sơ đẳng của MTTL như luật tiến hóa, luật quân bằng hay Karma, còn loại sách vở thuộc về tầng trên của kiến trúc có tính chất:
– Là những chỉ dạy tinh thần và huyền bí, áp dụng đặc biệt cho hai hạng người là những ai thành tâm đi tìm chân lý có tính triết lý và tôn giáo để hướng dẫn đời mình, và
– Đa số người như vậy đã từng biết ít nhiều TTH khi xưa, nay tái sinh. Các sách vở và chỉ dẫn đưa họ tới tháp chuông nhọn vươn cao là biểu tượng thích hợp về mặt kiến trúc.
Tác giả và diễn giả, đặc biệt người sau, sẽ là hội viên đắc lực trong việc tiếp tục tốt đẹp phần việc của Hội, phụ giúp xây cất tòa nhà lớn lao mà các Vị sáng lập có trong trí khi Hội ra đời, và đã hằng giữ nó mãi từ đó tới nay. Vì vậy, có Lời Kêu Gọi đưa ra cho những ai cảm ứng là hãy viết Theosophy theo ngôn ngữ và tư tưởng của thời đại hiện nay, và trưng ra chỉ dạy Theosophy bằng các bài giảng với lòng hiến dâng nhằm tiếp nối việc phát triển hội Theosophy.
Có một sự phân biệt tế nhị ta cần nắm vững giữa kiến thức hay hiểu biết với minh triết. Theosophy trong sách vở dù tuyệt vời và đẹp đẽ ra sao còn vượt ra ngoài lời của sách; và chỉ dạy ghi trên trang giấy cần được hiểu chỉ là MTTL thứ cấp. Chúng không có giá trị là bao nếu không được áp dụng hay sống theo; vì chỉ khi đó hiểu biết mới trở thành MTTL chính yếu, là minh triết sống động, có tự ngàn xưa mà luôn luôn mới.
Chính vì con người khi sống theo hiểu biết mới thấu triệt chân lý nên đức Chúa mới nói ‘Ta là con Đường’, hàm ý mỗi người phải tìm đường cho mình và rốt ráo thì mỗi chúng ta trở thành con Đường. Mọi huấn luyện huyền bí đều nhắm mục đích này, là cho người học đạo tư tưởng mà khi lặng thình nghiền ngẫm trong tâm (tức tham thiền) sinh ra kết quả có giá trị thực. Chừng đó họ có thể gọi hiểu biết này của riêng họ.
Điều chi ta có được nhờ công khó, nhờ nỗ lực tìm tòi sẽ mãi mãi thuộc về ta, không biến mất vì bị lãng quên như ý tưởng trên giấy nhờ đọc mà qua mắt vào trí ta, hay nhờ nghe qua tai từ miệng của bậc thầy dù đáng tôn kính thế mấy.

II. Hai Sự Kiện
Ngay từ thuở ban đầu mới thành lập, Hội Theosophy có vài phần ẩn tuy được bàn tới một cách công khai, là hai điều:
● Hội cần một nhóm hội viên tận tụy làm việc, và
● Các Chân Sư thâu nhận đệ tử.
Để giải thích, tuy Hội có ba mục đích rõ ràng nhưng có hai chuyện nữa mà Hội cần thực hiện, một là quảng bá MTTL mà để làm được việc này, cần có một số hội viên hết lòng với sứ mạng ấy. Theo dõi lịch sử của Hội,  năm 1885 sau khi có cáo buộc sai lầm rằng các hiện tượng được tạo ra mà nhiều nhân chứng nói tới là điều giả mạo, tiếng tăm của Hội bị ảnh hưởng, sinh lực sút giảm tới mức Hội được ví như cái xác không hồn. Để cứu vãn tình trạng, bà Blavatsky lập trường Bí Giáo (Esoteric School E.S.) năm 1888, qui tụ những ai nhiệt thành để giúp Hội làm tròn phận sự của nó.
Khi ấy trường Bí Giáo được xem như quả tim duy trì sự sống của Hội. Ngày nay vai trò đó vẫn còn tuy mức quan trọng đã giảm bớt, vì ngoài các học viên của trường, ta còn có nhiều hội viên không thuộc E.S mà vẫn đầy nhiệt tâm trợ giúp Hội. Trường Bí Giáo trở nên công khai phần nào do điều kiện gia nhập được công bố minh bạch cho hội viên, cũng như sau này có những trường Bí Giáo thuộc các tổ chức khác như Arcane School do bà Alice A. Bailey lập ra.
Phần ẩn thứ hai là khác với sự hiện hữu và hoạt động của trường là điều được bàn tới một cách công khai, việc các Chân Sư thâu nhận đệ tử ít được nói tới hơn, nên phần kế bài này nói về liên hệ giữa trường và chuyện ấy. Có sự kín tiếng và dè dặt như vậy là bởi đã có những điều không hay xẩy ra, gây hiểu lầm về chuyện được thâu nhận và làm đệ tử. Ấy là chuyện đáng tiếc nên bài sẽ cố gắng mang trả lại ý nghĩa chân thực cho sự việc.
Việc làm đệ tử được nêu ra như đích cho ai thành tâm tìm Đạo, nhưng có lẽ chữ đúng hơn là trở thành người phụng sự, và ta nên hiểu người đệ tử trước tiên phải là người phụng sự vì chính các Chân Sư là những người phụng sự. Về điều này, vai trò thứ hai của Hội là như cảnh cổng để qua đó người chí nguyện có thể tiến triển tới việc được nhận làm đệ tử và rồi chứng đạo, khi thực sự xứng đáng nhờ việc phụng sự quên mình, có sự hợp tác trực tiếp với các ngài.

Con Đường Tiến Mau (Pathway of Hastened Evolution)
Đây là lý tưởng được đưa ra cho ai thấy mình có đủ khả năng, và được các Chân Sư khuyến khích. Người đáp ứng với lý tưởng này chỉ mong muốn giúp ích nhiều hơn cho nhân loại; bởi ai như thế có giá trị lớn lao cho thế gian do đó cũng có giá trị to tát cho việc làm của các ngài, nên Chân Sư đặc biệt chú ý tới ai như vậy để dùng họ. Từ đây dẫn tới việc làm đệ tử, con đường của người đệ tử và sự chứng đạo (initiation còn được dịch là điểm đạo).
Nói rõ ràng hơn, lời khẳng định trên tái xác nhận hai ý:
– Các Chân Sư vẫn luôn còn đó, và
– Cánh cửa vẫn mở rộng cho ai muốn hiến mình phụng sự, và muốn được nhận làm đệ tử.
Lý tưởng về đường Đạo và việc tiến mau được nêu lên, bởi mỗi một ai thành công đều giúp cho trọn nhân loại; do việc thúc đẩy sự tăng trưởng và thay đổi tâm thức của chính mình, con người đồng thời cũng trợ lực tất cả. Mỗi ai khi tiến xa hơn một chút so với mức thường, ai hiểu được Thiên cơ và nhìn nhân loại như là một khối và phụng sự nó, ai xả kỷ và sống cho toàn thể nhân loại, người như thế giúp đỡ mạnh mẽ mọi ai khác.
Quả đúng là thành quả ban đầu thấy được thật nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng ‘men’ đã khơi động đi vào tâm thức cá nhân, nhóm, quốc gia và thế giới cho ảnh hưởng ít nhiều. Ta cũng đừng quên là tà lực chống đối lại ảnh hưởng đó, và làm chậm lại cuộc tiến hóa của nhân loại. Vì vậy có lời kêu gọi người nam và nữ tiến vào đường Đạo, bởi họ là lực thúc đẩy khối đông, làm mức tiến bộ được mau hơn, giải thoát con người khỏi những điều tệ hại là vô minh, ích kỷ và nhục dục.
Công việc người của phụng sự là nâng cao tâm thức nhân loại hay tinh thần hóa tâm thức ấy. Điều này luôn luôn là phần việc chính cho mỗi bậc thầy tinh thần, dù cao cả tới đâu. Đối với một nhân loại đang đau khổ, việc nỗ lực tiến mau của cá nhân và tinh thần hóa tâm thức nhân loại là cách ngăn ngừa và trị liệu hữu hiệu nhất.
Không phải ai cũng ở vào vị trí, hoàn cảnh sẵn sàng bước vào đường Đạo và phụng sự, nhưng lý tưởng cần được nói tới, đặt trước mắt người; chuyện còn lại tùy thuộc vào bản chất của từng cá nhân và karma của họ. Mục đích của mỗi người chí nguyện là mở rộng tâm thức để bao trùm điều ở ngoài anh, đạt những trạng thái tâm thức cao hơn trong sự sống của nhân loại, và cuối cùng ‘biết’ được Thượng đế có những mặt khác nhau mà đều mở rộng bao trùm và toàn hảo.
Điều mà ai tha thiết với công việc của Hội có thể làm, là tăng cường và nhắc lại nhiều lần lý tưởng về Con Đường Tiến Mau, việc theo đuổi nó là một trong các chứng cớ chắc chắn là người chí nguyện đã tới giai đoạn có thể đặt chân lên đường Đạo. Ước nguyện này hoàn toànkinh nghiệm nội tâm, sinh ra khi họ tiến đến mức tìm ra và bước vào đường Đạo, cũng như chắc chắn được sự trợ giúp của một Vị đi trước, thí dụ các Chân Sư. Những lúc thường xuyên được hứng khởi của chân ngã tự chúng cũng là dấu hiệu, muốn nói rằng chẳng những họ đã vào đường Đạo mà còn đã thành công đi trên đó.

Trường Bí Giáo
Trường Bí Giáo (E.S. hay Esoteric School) của hội Theosophy thường được xem như là nơi cho hội viên nào muốn đi sâu hơn vào MTTL, muốn biến chỉ dạy của MTTL thành lực hướng dẫn đời mình. Giản dị là vậy, còn nếu muốn nói rõ hơn thì có vài định nghĩa khác cho trường:
● E.S. là một nguồn hướng dẫn và hứng khởi tinh thần.
● E.S. là đường kinh giữa các Chân Sư và học viên của trường E.S
● E.S. là cửa ngõ dẫn tới Huyền Môn (Temple of the Mysteries) và vị Thánh Sư trong đó.
Ta cũng cần nói rõ về Hội. Hội có ba mục đích được công bố, còn thì hội có hai phần việc chính:
1- Quảng bá MTTL, và
2- Làm đường nối hay con kinh giữa người chí nguyện muốn làm đệ tử và các Chân Sư.
Hiển nhiên hội thực hiện phần việc thứ hai qua E.S. Dầu vậy, nên biết E.S. không phải là cánh cổng duy nhất mà còn có nhiều đệ tử, người chí nguyện làm việc bên ngoài hội trong những tổ chức khác, nhưng với mục đích chung là thực hiện Thiên Cơ.
Ý niệm về bẩy cung cho thấy là không phải tất cả ai đi tìm Chân Lý cũng đều chỉ muốn biết về mặt triết lý mà thôi. Với một số người, hiểu biết này cho họ nền móng căn bản để biểu lộ một cách thông minh lòng sùng tín đối với một lý tưởng tôn giáo, hay vị giáo chủ, hay một nguyên lý. Người khác cần rõ rệt hơn một đường hướng triết lý đáng tin để sống đời phụng sự nhân loại. Quan trọng hơn thì kẻ khác nữa đi tìm hướng dẫn và hiểu biết trên đường làm chủ nội tâm, có được soi sáng, và sau cùng đạt được hòa hợp với sự sống chung vĩnh cửu. Cái lý tưởng thể hiện thiêng liêng qua nghi thức, trình tự chính xác, đều đặn, cũng như việc phụng sự và tìm Đạo chiếm một chỗ nhất định và rõ ràng trong tư tưởng và nỗ lực của ai đã thức tỉnh và đáp lại tiếng gọi tinh thần.
Tuy các sinh hoạt của hội cho người ta cơ hội trong một số lãnh vực này, nhất là trong việc khám phá Chân Lý và phụng sự nhân loại, nhưng khi như là một tổ chức thì hội đưa ra một sự huấn luyện trực tiếp có tính huyền bí và tinh thần, và sự biểu lộ cá nhân cho những ai có tâm tính khác. Sự hiện hữu của E.S và việc được nhận vào trường cho có thêm chỉ dẫn đặc biệt, và hướng dẫn cho ai mà do tính khí và không chừng do kinh nghiệm của những kiếp qua, muốn theo đường huyền học (mysticism) và huyền bí học.
Hằng triệu người trong những kiếp trước có liên hệ nhiều hay ít với Huyền Môn, thế nên việc họ nay muốn tìm lại cửa Đạo, tiến đến nó và được nhận lần nữa vào nơi như đền thờ khi xưa thì chỉ là chuyện tự nhiên. Vì các lý do trên, E.S mang lại chính cơ hội, hướng dẫn và sự huấn luyện cần thiết ấy để một lần nữa họ theo Con Đường Tiến Mau (Pathway of Hastened Evolution), và ngày kia lại càng trợ giúp đồng loại hữu hiệu hơn để đạt tới quả vị Chân Sư.
Quả thực là E.S được xem như chỉ là nơi chuẩn bị, đưa ra huấn thỉ về cách sống, suy nghĩ, kỷ luật bản thản và tham thiền, mà theo đó mỗi học viên có hoàn toàn tự do trong việc đi tìm Chân Ngã hay cái tôi tinh thần, Đại Ngã và chân lý về sự Hợp Nhất hằng có giữa hai điều này.
Về một mặt E.S có thể không được gọi theo nghĩa đen như là một Ashram - đạo viện, tu viện, nhà dòng - cho dù đối với nhiều học viên của E.S. nhà riêng của họ được xem như là ashram. Tuy nhiên chắc chắn nó cho trợ giúp như các nơi vừa nói, và điều hết sức quan trọng cho đa số học viên là E.S. cho phép có tiếp tục đời sống ở bên ngoài thế gian.
Gần như ngay từ thuở ban đầu, E.S được mô tả là ‘quả tim’ của hội Theosophy, và nếu ta chấp nhận mô tả này thì đối với nhiều học viên, nó trở thành chính là ‘quả tim’ của đời họ theo nghĩa biểu tượng. Phân chia hội và E.S. với nhau thì điều không tránh được là lấy bớt đi nhiều phần, nếu không phải là tất cả, của quả tim huyền bí và tinh thần của phong trào TTH trong thế giới ngày nay.
Khi một ai gia nhập E.S., việc dự các buổi họp, chiêm ngưỡng những bức họa chân dung các Chân Sư, chấp nhận chỉ dạy và điều lệ, là dấu hiệu rõ rệt người ấy vừa tìm được cả sự nối kết với các Ngài và các Chân Sư với họ, là kết quả của luật mà ta thường nghe nói rất đúng: không ai có hề bị làm ngơ.
Chỉ vì một lý do này mà thôi, với những hội viên nào gia nhập E.S. … chắc chắn có người đang tiến đến gần, và người khác đã tới giai đoạn tiến hóa bảo đảm có được đáp ứng của Chân Sư với lý tưởng, và chuyện sẽ xẩy ra là lời cầu xin của họ được hồi đáp, và bàn tay của vị Thầy vươn đến họ. Một số đông linh hồn trong đó nhiều người thuộc về Huyền Môn khi xưa nay trở lại thế gian và hội Theosophy; họ là những học viên có hiểu biết về MTTL và ít có óc tín điều hơn ai nhiều lý tưởng và đầy sùng tín tiến bước theo đường huyền học (mystic). Những người này không thể để bị lạc lõng không có cứ điểm và trung tâm để từ đó ước vọng của họ có thể được mãn nguyện, và đây là trường hợp sẽ xẩy ra nếu E.S. đóng cửa.
Lý tưởng làm đệ tử được nhắc lại vì nó phải không được cho phép biến mất trong hội, và với học viên nào cảm thấy bị lý tưởng lôi cuốn sâu đậm, có thể có việc phát triển ý tưởng này và luôn cả việc có kinh nghiệm trực tiếp. Nếu việc này thành công, một giai đoạn nữa trong mối liên hệ riêng biệt giữa các Chân Sư với con người có thể có được. Đây quả thực là một trong những ý hết sức quan trọng mà nếu lý tưởng và việc thực hành nó bị mai một, thì đó là bất lợi to tát cho việc có tiến bộ tiếp tục dài lâu và sự thành đạt chương trình của các ngài (là việcthành lập Hội).
Việc có hiểu biết trở lại về Huyền Môn (Mystery Tradition) có thể mô tả chính xác là nhu cầu nghiêm trọng nhất cho nhân loại; và việc đặt chân lên đường Đạo có thể ví như giai đoạn hạt giống hay trứng thụ tinh, với tất cả những tiềm năng của nó, và điều cần nhớ cũng như nên được nhắc lại là ĐƯỜNG ĐẠO KHÔNG HỀ ĐÓNG. Đề tài này sẽ được bàn kỹ hơn ở trang 24.

Trích
- The Theosophist, Octorber 1980 - The Adept-Inspired Theosophical Society, G. Hodson
- Light in the Sanctuary, Sandra Hodson.
- Letters on Occult Meditation, A.A. Bailey.